Bds161's Blog

Dứt khoát phải bỏ hạn điền

Posted on: Tháng Mười 4, 2010

(Dân Việt) – “Vì sao nói phải bỏ hạn điền và hạn mức, bởi sản xuất nông nghiệp là một quá trình lâu dài, không thể đầu tư một lúc, rồi có thể thu lại được ngay như trên các diện tích đất phi nông nghiệp”- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ trao đổi.

“Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”. Đó là một trong những chính sách, chủ trương lớn được đưa vào dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020” trình Đại hội lần thứ XI của Đảng. Về vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đất nông nghiệp phải giao đến hàng trăm năm

Thưa ông, như dự thảo về chiến lược phát triển kinh tế của nước ta trong thời kỳ tới, việc tích tụ ruộng đất sẽ tiếp tục được khuyến khích. Chủ trương là như vậy, nhưng theo ông để thực hiện được phải dựa trên những cơ sở nào?

Ông Đặng Hùng Võ

– Khuyến khích tích tụ đất đai là con đường duy nhất mà chúng ta phải đi để tạo động lực trong phát triển nông nghiệp. Điều này đã được chứng minh ở các nước trên thế giới, kể cả các nước công nghiệp phát triển.

Tích tụ để xây dựng trang trạng, gia trại có thể là của tập thể hoặc của gia đình. Vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì để tích tụ được, dứt khoát phải bỏ đi hạn điền và hạn mức về thời gian sử dụng đất.

Vì sao nói phải bỏ hạn điền và hạn mức, bởi sản xuất nông nghiệp là một quá trình lâu dài, không thể đầu tư một lúc, rồi có thể thu lại được ngay như trên các diện tích đất phi nông nghiệp.

Nói như vậy, có nghĩa là thời hạn giao và diện tích giao như hiện nay không phù hợp nữa?

– Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài để cả hàng trăm năm mới thu được lợi nhuận. Chúng ta cần có những khu đất rộng mới có thể làm được trang trại, gia trại để đưa cơ khí hóa, điện khí hóa vào sản xuất. Khi đã xóa bỏ được hạn điền, hạn mức, có nghĩa là chúng ta sẽ giải phóng được sự lo lắng của những người muốn đầu tư vào nông nghiệp và họ có thể mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất khi bỏ hạn điền, hạn mức sẽ giúp tác động trực tiếp vào tư duy của nhà đầu tư nông nghiệp, họ sẽ đưa ra một kế hoạch đầu tư dài hạn cho có hiệu quả.

Có nhiều ý kiến lập luận rằng, một khi chúng ta bỏ hạn điền, hạn mức sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong việc đảm bảo sự công bằng theo kiểu, dù ít, dù nhiều ai cũng phải có đất?

– Hiện nay, chúng ta đang vận động theo cơ chế thị trường, nên cũng phải quan niệm lại xem thế nào là công bằng.

Năm 1994, chúng ta đã giao đất cho hộ gia đình cá nhân đã là rất công bằng rồi, thậm chí công bằng đến mức vô lý, máy móc đến độ chia theo kiểu ruộng gần, ruộng xa, ruộng tốt, ruộng xấu mỗi người đều có một tý. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tôn trọng những quy luật của kinh tế thị trường, tức phải có sự phân công, có sự điều tiết của nhà nước.

Việc bỏ hạn điền sẽ giúp nông dân tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn. (Ảnh minh họa)

Sự điều tiết ở đây là gì, đó là phải đưa ra những quy định, ai càng có nhiều đất thì càng phải đóng thuế cao, có thể nhà nước chỉ ưu đãi đầu tư trong giai đoạn đầu, còn sau đó phải có trách nhiệm đóng góp lại cho nhà nước, để nhà nước điều tiết, đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho những người không có ruộng hoặc có ít, nhằm tạo việc làm, thậm chí tạo đất mới cho họ. Công bằng cần được hiểu theo hướng đó, chứ không phải công bằng là ai cũng phải có đất.

Muốn tích tụ ruộng đất, trước tiên phải có đất, nhưng đất hiện nay lại nằm ở trong các hộ dân hết rồi. Vì thế chỉ còn có cách phải rũ ra hết để chia lại, kiểu như xóa hết bàn cờ cũ đi để đánh lại ván mới. Cá nhân ông có cho rằng, chúng ta nên đi theo hướng này?

– Trước đây, vấn đề này đã được đưa ra bàn và lấy ý kiến tại Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nên đã lùi lại đến năm 2013 mới xem xét tiếp. Việc xóa hay rũ ruộng đất ra để chia lại, có thể phù hợp với vùng này, nhưng lại không phù hợp với vùng kia. Theo tôi, lúc này có sự khác biệt giữa các vùng miền như ở ĐBSCL họ đã chủ động, mạnh dạn đầu tư công nghiệp vào sản xuất lúa, cho nên họ rất yên tâm về đầu tư.

Tuy nhiên, quay ngược lại các tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… chẳng hạn, họ lại có tư duy khác. Tư duy của người miền Bắc không phải sử dụng, mà là giữ ruộng, để sau này có chỗ lùi cuối cùng nếu làm ăn thất bại. Vậy để thay đổi được tư duy đó, chúng ta cần phải vận động, thuyết phục được mọi người từ bỏ tư duy giữ ruộng đi.

Không sợ… địa chủ

Thực tế, chúng ta đã xây dựng mô hình các nông, lâm trường để tích tụ ruộng đất lại. Sau này, các nông, lâm trường lại thực hiện việc giao đất cho các hộ nông trường viên, nhưng vẫn thất bại. Ông có thể lý giải điều này thế nào?

– Chúng ta đã rất mạnh dạn, thậm chí dũng cảm khi giải tán các nông trường, lâm trường giao đất cho các hộ gia đình cá nhân. Thực tế, hầu hết các nông, lâm trường đã giao khoán đất cho các hộ dân, vì họ hiểu rằng mô hình “xí nghiệp nông nghiệp”, tức hình thành các đội sản xuất rồi đem sản phẩm thu hoạch chung về để chế biến, xuất khẩu là không phù hợp, nên phải chuyển sang kinh tế trang trại, đó là mô hình tối ưu.

Tôi cho rằng, việc vẫn còn tồn tại các nông, lâm trường là vô lý cả về mặt lý luận và thực tiễn, bởi thực tiễn lãnh đạo các nông, lâm trường hiện đang áp dụng mô hình giao khoán đất, mà nói trắng ra có khác gì “phát canh, thu tô” đâu, đấy không phải là tích tụ, chia đất ra cho mỗi hộ một tý, rồi lại bắt họ đóng góp trở lại.

Ngay cả trong ngành nông nghiệp cũng có nhiều quan điểm cho rằng, tích tụ ruộng đất trong thời điểm này không nên làm quá vội vàng, vì dễ trở thành tích tụ theo kiểu tư bản, thậm chí là quay lại địa chủ, điền chủ như ngày xưa. Theo ông, khi tích tụ nên đi theo hướng nào?

– Chúng ta không nên quá lo ngại điều này, vì có thể đưa ra sắc thuế để điều chỉnh. Như tôi đã nói, người được tích tụ, được tạo điều kiện nhiều hơn, thì phải có nghĩa vụ đóng góp lại cho nhà nước, cho xã hội. Nói như thế để thấy, mặc dù cho tích tụ nhưng chúng ta vẫn có “cửa” để điều tiết lại lợi ích từ việc tích tụ đó, để giải quyết cho những người không có đất, đây là điểm khác với các nước tư bản.

Cũng có thể khi được giao tích tụ, người nông dân có thể trở thành tầng lớp địa chủ mới, o ép người này, người kia phải bán lại ruộng cho mình. Điều này, chúng ta có đủ chính sách để ngăn ngừa không cho xảy ra. Tôi nói ví dụ như ở Đài Loan, họ quy định rõ trong “Luật 17,8” là người có đất sản xuất lớn chỉ được lấy 17,8% lợi nhuận, không được lấy nhiều hơn, đấy chính là ngăn ngừa địa chủ. Số lợi nhuận còn lại được chia cho người làm thuê và nộp lại thuế cho nhà nước.

Như chính ông đã từng phát biểu, để tích tụ đất đai, chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính là lấy đất của người này giao cho người khác, mà phải dùng biện pháp tài chính để điều tiết. Ông có thể cho biết rõ hơn quan điểm về vấn đề này?

– Tôi xin lấy ví dụ, một người được giao đất mà chính quyền xã ở đấy biết rõ người này có đất nhưng không sử dụng nữa, thì buộc anh phải bán, nếu không bán cho người nào khác, thì phải bán cho nhà nước. Ở đây nhà nước không thu hồi, nhưng buộc người đó phải bán lại cho nhà nước với mức giá cụ thể, theo thỏa thuận.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hân (thực hiện)

Bình luận về bài viết này

Mục tiêu

Trở thành tỷ phú từ đầu tư bất động sản.

calendar

Tháng Mười 2010
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Blog Stats

  • 717 051 lượt truy cập

Thống kê chi tiết từ 26/5/2010